Chằm Zn là gì? TOP 10 sai lầm trong thiết kế gây "Chằm Zn"(Phần 1)

J

J

Chằm Zn là gì?

Trở nên thịnh hành vào khoảng đầu tháng 2/2021, “chằm Zn” đang là câu nói cửa miệng của nhiều bạn trẻ thuộc Gen Z. Thực chất, “chằm Zn” (chằm kẽm) là cách nói vui của từ “trầm cảm”, bộc lộ cho sự chán chường hay mệt mỏi của những người trẻ. Trong đó, “chằm” có nghĩa là “trầm”. Còn “Zn” - ký hiệu hóa học của nguyên tố “Kẽm” - cũng là cách nói lái cho từ “cảm”.

Sau khi đã hiểu được thế nào là “chằm Zn” thì hãy cùng tìm hiểu ngay những sai lầm trong thiết kế có thể khiến cho sản phẩm của bạn trông “chằm Zn” nhé! 


1. Thiết kế không phù hợp với đối tượng hướng đến

Một bước tưởng chừng như rất cơ bản nhưng lại thường bị bỏ quên bởi nhiều designer: Xác định đối tượng hướng đến. Trước khi đặt bút xuống thiết kế, hãy tự đặt cho mình một câu hỏi quan trọng:

“Sản phẩm mình thiết kế này là dành cho ai?”

Chỉ bằng cách đó, ta mới có thể xây dựng được một định hướng đúng đắn cho việc sử dụng màu sắc, bố cục, họa tiết,... cho sản phẩm của mình. Hãy cùng nhìn vào ví dụ bên dưới:

Ta có thể thấy cùng là một nội dung, nhưng thiết kế bên trái mang một sự sang trọng và chuyên nghiệp nhất định. Ngược lại, sản phẩm bên phải lại có nét tinh nghịch, hồn nhiên hơn.

Tuy vậy, điều cần nói là nếu để ý kỹ, đây là một tấm thiệp mời sinh nhật cho các bạn nhỏ tầm 10 tuổi - đối tượng thường bị thu hút nhiều hơn bởi những thứ sặc sỡ, tinh nghịch. Vậy nên dù cho sản phẩm bên trái có “chanh xả” đến mấy thì cũng sẽ trở nên không hiệu quả do không phù hợp với đối tượng hướng đến.


2. Phân cấp nội dung không rõ ràng

Phải phân cấp nội dung rõ ràng! Phải phân cấp nội dung rõ ràng! Phải phân cấp nội dung rõ ràng!

Điều gì quan trọng nói 3 lần. Và bạn thấy đó, phân cấp nội dung rất quan trọng! Vậy thế nào là phân cấp nội dung rõ ràng? Hãy cùng nhìn vào ví dụ phía dưới

Tấm thiệp mời bên trái được sử dụng với một kiểu chữ duy nhất với cùng một kích thước, màu sắc, và trọng lượng. Điều đó sẽ khiến cho người đọc khó nhận ra được đâu là nội dung chính. Ngược lại, với việc sử dụng đa dạng kích thước, màu sắc, và trọng lượng, designer có thể giúp người đọc dễ dàng biết được thông tin nào là quan trọng.

Một thiết kế trực quan sẽ giúp cho bạn dễ dàng truyền đạt thông tin hơn, cũng như giúp người đọc tiếp nhận, ghi nhớ thông tin dễ dàng hơn.


3. Phối màu thiếu sự khoa học

Có hai lỗi thường thấy nhất ở các “tân binh” trong lĩnh vực thiết kế đó là sử dụng quá nhiều màu sắc và kết hợp màu sắc không có độ tương phản phù hợp.

Việc lựa chọn quá nhiều màu sắc mà không có một định hướng, kế hoạch kỹ lưỡng sẽ khiến cho thiết kế của bạn trở thành một mớ hỗn độn, rối rắm, thậm chí có thể là một thảm họa.

Hãy cố gắng biến sản phẩm của bạn thành một “món sơn hào hải vị” với “mùi hương” đặc trưng, rõ ràng, chứ không phải một “nồi lẩu thập cẩm” mà người thưởng thức không thể biết được đâu là điểm nhấn.

Bên cạnh đó, việc phối hợp màu sao cho có độ tương phản phù hợp là một điều vô cùng cần thiết. Bây giờ bạn hãy dành 10 giây để nhìn xuống ví dụ phía dưới và thử tự nêu lên cảm nhận của mình nhé:

Trong 10 giây trên, chắc hẳn bạn đã phần nào cảm giác đau, mỏi hay nhức mắt phải không? Đó là bởi việc kết hợp những màu trên với nhau tạo ra sự tương phản quá mạnh - một ví dụ cho việc phối màu không khoa học chút nào.

Lời khuyên nhỏ dành cho các bạn, cũng là một quy tắc vàng trong thiết kế, là hãy sử dụng tối đa ba màu trong một sản phẩm của mình.


4. Sử dụng quá nhiều hiệu ứng

Đổ bóng, 3D, ảnh động, neon,... chắc bạn cũng có thể tự kể được hàng loạt hiệu ứng nữa giúp cho sản phẩm trở nên ấn tượng hơn đúng không nào?

Nhưng đừng quên rằng một thiết kế với quá nhiều hiệu ứng chồng chất lên nhau sẽ tạo thành một mớ hỗn độn không hơn không kém đấy. Hãy để dành những effect mà bạn tâm đắc nhất cho những nội dung mà bạn tâm đắc nhất, bởi chỉ khi ấy người xem sẽ chú ý tới những gì là trọng tâm của sản phẩm.

Mà bạn sẽ không muốn người xem của mình “ngộ độc” hiệu ứng đâu nhỉ?


5. Bỏ quên không gian trắng

“Khoảng trắng” luôn là một thứ vũ khí đắc lực để cân bằng các yếu tố thiết kế cũng như giúp sản phẩm của bạn trở nên trực quan hơn. Nếu bạn đã và đang có suy nghĩ rằng khi truyền tải một thông điệp, ta cần phải đưa càng nhiều thông tin vào càng tốt, thì hãy thử nhìn xuống quảng cáo dưới đây của Volkswagen nhé:

Có thể bạn cũng nghĩ ông sếp của Volkswagen dường như đã phàn nàn về “khoảng trống thênh thang” mà ông phải bỏ hàng đống tiền ra. Nhưng chính cái “khoảng trống thênh thang” trong chiến dịch “Think small” đó đã góp phần giúp cho Volkswagen bán được 1 triệu chiếc Beetle nhờ việc kết hợp hoàn hảo không gian trắng trong thiết kế.

Vậy nên đừng cố nhồi nhét quá nhiều yếu tố vào trong một thiết kế bởi điều đó có thể khiến sản phẩm của bạn thành một “ma trận” thông tin đấy.


Túm lại!

Trên đây là Phần 1 trong loạt bài viết TOP 10 sai lầm trong thiết kế gây "Chằm Zn". Liệu bạn có phần nào thấy được bản thân mình trong này?

Nếu bạn không muốn mãi là “tấm chiếu mới” với những sai lầm tương tự, đừng ngần ngại tham gia khóa học thiết kế dàn trang InDesign tại colorME hoặc khóa học thiết kế đồ họa online tại E - ColorMe nhé. Đảm bảo bạn sẽ có được một tư duy thiết kế vượt trội hơn đấy.

Còn bây giờ, hẹn gặp lại các bạn trong Phần 2!

Đặng Hùng

Inspiration of the day

Everything is designed. Few things are designed well

Brian Reed, front-end developer and musician