Chuyện freelancer · khách hàng có thể tìm thấy bạn ở đâu?
Nội Dung : Baba / Minh họa : Ngô Thùy Duyên
Biết thiết kế là một lợi thế, sẽ ra sao nếu như ngoài công việc chính của mình, trong thời gian rảnh bạn có thể kiếm thêm những khoản thu nhập khác nhờ khả năng thiết kế của bản thân?
Freelance Designer hay những nhà thiết kế làm công việc tự do đang ngày càng trở thành một xu hướng nghề nghiệp phổ biến, bởi thời gian làm việc linh hoạt cùng những khoản thu nhập đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên sự bất ổn từ khối lượng công việc và những rủi ro khi gặp phải khách hàng xấu tính lại là những thử thách mà bạn phải đối mặt khi dấn thân vào nghề. Như vậy, làm sao để tìm kiếm những khách hàng “chất lượng” cho sự nghiệp freelance? Hãy xem qua 5 gợi ý sau đây nhé!
1.Bắt đầu từ những người quen biết
Những người thân trong gia đình hay bạn bè không chỉ là những người để bạn yêu thương, mà còn là những khách hàng tiềm năng hoặc những những người môi giới tuyệt vời cho công việc của bạn. Đừng sợ khó xử vì phải làm việc với người quen, hãy tập thói quen rành mạch trong việc công – việc riêng ngay từ bây giờ, bởi nếu không bạn không thể thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình với họ thì bạn cũng sẽ khó khăn y như vậy khi làm việc với một khách hàng “khó tính”. Và hãy nghĩ đến cả mặt tích cực nữa, rõ ràng là những khách hàng quen thuộc sẽ làm giảm nguy cơ bị khách “bùng” tiền của bạn hơn so với một khách lạ mà.
2.Tham gia các sự kiện, hội nhóm.
Đây là nơi để bạn xây dựng và mở rộng mạng lưới khách hàng của mình mà chẳng mất quá nhiều công sức. Một vài câu chuyện xã giao hay một buổi cà phê là cơ hội chính đáng để bạn chia sẻ đôi chút về cuộc sống của bản thân, trong đó bao gồm cả nghề nghiệp freelance “rất đáng tin cậy” của bạn nữa. Trong thời đại mà mỗi một cá nhân hay một cửa hàng đều cần đến tờ rơi hoặc logo thì xác suất bạn gặp được khách hàng của mình cũng cao như thế. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng những sự kiện hay hội nhóm càng ít liên quan đến thiết kế thì sẽ càng có ít designer ở đó, và bạn có thể trở thành ứng cử viên sáng giá cho công việc freelance nếu bạn có mặt ở những nơi này đấy.
3. Liên hệ với các designer khác
Có thể bạn sẽ thấy điều này thật vô lý, bởi những designer khác chẳng phải là đối thủ cạnh tranh hay sao? Tuy nhiên, hãy nhìn rộng hơn một chút, bạn sẽ bắt gặp những desinger tuyệt vời, đó là những người thật sự bận rộn với công việc của mình và họ sẽ chẳng ngại ngần để chuyển nhượng hoặc giới thiệu cho bạn một dự án mà họ không đủ thời gian để thực hiện. Và nếu bạn làm tốt công việc được giới thiệu, bạn sẽ lại có thêm một người môi giới sáng giá nữa cho công việc freelance của mình rồi.
4.Làm việc tình nguyện
Dĩ nhiên bạn không cần phải ép mình thiết kế miễn phí cho ai để quảng cáo cả, và kể cả bạn có làm vậy thì kết quả cũng sẽ không đến đâu cả vì sẽ chẳng có sự sáng tạo nào ở đây cả. Tình nguyện có nghĩa là thỉnh thoảng bạn hãy để ý những tổ chức/cộng đồng nhỏ ở gần nơi bạn sống, và thiết kế cho họ một ấn phẩm nào đó nếu bạn quan tâm, tất nhiên là không lấy phí rồi. Có thể những tổ chức này không có đủ chi phí để tìm người thiết kế, cũng có thể họ chưa nhận ra vai trò của thiết kế đối với quảng cáo – truyền thông. Nhưng bạn hãy cứ thử tình nguyện thiết kế, hãy nghĩ đơn giản đây là cơ hội tốt để bạn gạt bỏ hết những áp lực về yêu cầu của khách hàng hay deadline căng thẳng, bạn sẽ thoải mái thiết kế ra những gì mình muốn để cho vào portfolio, và chỉ thế thôi. Biết đâu một ngày nào đó, những tổ chức kia sẽ lại tìm đến với bạn, bởi họ tin tưởng sự chân thành của bạn và lần này có thể họ sẽ có kinh phí cho thiết kế rồi thì sao?!
( thiết kế free đây, mại zô )
5. Tìm ra thế mạnh của bản thân
“Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề” - Câu chơi chữ truyền thống của dân tộc ta quả thật vẫn đúng dù ở bất kì thời đại nào. Sự thật là nếu bạn làm được nhiều loại công việc cùng lúc từ thiết kế website, đến thiết kế branding hay thậm chí là cả dựng video... thì thị trường của bạn cũng rộng hơn và khách hàng cũng sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, với những dự án lớn kèm theo một khoản ngân sách cũng lớn không kém, thì khách hàng thường sẽ tìm đến những nhân lực thật sự nổi bật trong ngành để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Nếu bạn muốn thăng hoa khi sáng tạo, đồng thời được lại trả công hậu hĩnh thì không có cách nào khác là trở nên thật chuyên nghiệp về lĩnh vực của mình. Vậy hãy dành thời gian để phát hiện và xây dựng thế mạnh của mình và những khách hàng lớn sẽ tự tìm đến với bạn.
Hy vọng những gợi ý trên có thể phần nào giúp bạn định hướng trong việc tìm kiếm khách hàng khi trở thành một freelance designer. Những khách hàng tốt có trở thành bạn bè của bạn và cũng giúp bạn kiếm thêm thu nhập, còn những khách hàng tệ lại mang đến cho bạn những bài học và kinh nghiệm quý giá. Dù sao đi nữa, nếu bạn muốn trở thành một freelance designer thì hãy mạnh dạn dấn thân, cuộc sống này hấp dẫn bởi vì bạn không thể biết trước điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước mà.