Pattern nhập môn kì 2

Ở kì trước, chúng mình đã bước đầu tiến vào thế giới của Pattern với những lý giải cơ bản về pattern và 2 kiểu pattern cơ bản. Tới kỳ này, mình sẽ nhận dạng những kiểu pattern phức tạp hơn mà chúng ta sẽ thỉnh thoảng nhìn thấy đâu đó xung quanh, cùng với đó là cách ứng dụng để cho ra đời những thiết kế độc nhất vô nhị bạn nhé.  

Tổng hợp và trình bày: Lưu Như Ngọc Thảo.

Nguồn tham khảo: https://99designs.com/blog/trends/pattern-design/


NHỮNG KIỂU THIẾT KẾ PATTERN THƯỜNG GẶP (phần 2)

3/ FLORAL PATTERN

Một biến thể phổ biến của Allover là Floral – dạng pattern hoa lá cành.

Cùng chọn hoa làm yếu tố chính trong thiết kế, nhưng tùy thuộc vào màu sắc, cách vẽ mà cách nhìn, cảm giác của người xem có thể thay đổi đáng kể. Thí dụ như Floral pattern với hai màu đen trắng có thể đem lại cảm giác tinh tế và yên bình, trong khi pattern nhiều màu sắc lại gợi sự vui nhộn, tuy nhiên với bảng màu pastel lại có vẻ đẹp cổ điển, hòa nhã, trang trọng.

Hình minh họa: Card visit cho KM33 Store, thiết kế bởi The Welcome Branding Group.


Có vô số cách để thể hiện hoa lá cành trên pattern như kiểu vẽ trừu tượng, vẽ y như thực hay kiểu hoa cổ điển, hiện đại. Và thực tế là với nhiều nền văn hóa, họa tiết hoa lá đã thấm sâu từ lịch sử tới hàng ngàn năm mà bởi vậy chúng thường được sử dụng trong các thiết kế có liên quan tới phong tục tập quán, hay tính cộng đồng.

Bao bì hãng thảo dược Ziola w tabletkach, thiết kế bởi Kasia Piatek.


Ở Việt Nam, có 1 kiểu hoa lá dễ dàng bắt gặp ở trường học, hay quán cà phê, hay thậm chí là sàn nhà chúng mình, đấy chính là pattern gạch bông – vừa cổ điển, lại gần gũi, đôi khi rất dễ thương và làm điểm nhấn cực thú vị trong những thiết kế chứa nó. 

Nguồn ảnh: gachdatrangtri.vn


4/ COMMUNICATIVE PATTERN

Dù bạn có đang sử dụng pattern cho thiết kế bao bì, bộ nhận diện văn phòng hay giao diện website, pattern là cách thú vị để tạo ra một sự gắn kết (connection) cho những điều thương hiệu hướng tới. Giả dụ với packaging design, những thiết kế pattern giúp khách hàng biết được họ có thể kỳ vọng những gì với sản phẩm bên trong bao bì.

Nếu bạn muốn pattern không chỉ đơn giản để trang trí, mà nhằm truyền đạt những thông tiệp nào đó, hay tiếp cận khách hàng, thì Communicative – dạng pattern “truyền thông” chính là kiểu mình muốn gợi ý ở đây. Như chính cách gọi, kiểu pattern này sẽ tự nó nói lên nhiều điều về sản phẩm, thương hiệu của bạn và đương nhiên, khiến khách hàng, người xem phải bàn tán về nó.  Để có được bản thiết kế cuối cùng là cả một quá trình thú vị.

Hình bên trái: Bao bì hãng đồ ăn nhanh Harajuku Kira Kira, thiết kế của Shanti Sparrow. Bên phải: Bao bì với pattern cực thú vị cho Don Pablo, thiết kế bởi Paweł Jaczewski.


Tuy nhiên, đừng hiểu nhầm rằng Communicative pattern phô trương và cường điệu. Nếu cần, chúng phải có thể ăn ý cả trên những phong cách cổ điển, trang nhã hơn. Một quy luật chúng ta luôn phải nhớ khi thiết kế pattern ấy là: Gì cũng được, miễn là phù hợp với thiết kế, yêu cầu của thương hiệu.

Để bắt đầu với Communicative pattern, hãy nghĩ về những hình ảnh giúp gợi ra thương hiệu của bạn. Sau cùng đem tất cả những thứ này lên bản thiết kế và thế là bạn đã có ngay một kiểu pattern độc nhứt để chinh phục khách hàng rồi.

Communicative pattern kết với hợp với Geometric pattern cho brand CRU Oyster Bar, thiết kế của SID LEE.


5/ TEXTURAL PATTERN

Đôi khi trong một số kiểu thiết kế pattern, không gian được phủ kín bằng những những khối hình mà khi nhìn vào không thể phân chúng thành những phần riêng biệt được – đây chính là Textural (chất liệu) pattern. Textural pattern thường được dùng làm background cho thiết kế.

Những chất liệu này rõ không phải là thật, nhưng lại gợi cảm giác giống thật. Phố biến nhất là chất liệu màu nước khi nó tạo ra một sự nhẹ nhàng, vui vẻ cho thiết kế và thường được kết hợp với màu pastel hoặc màu sáng.

Hình bên trái: Thiết kế của Ari Susswein cho hãng Marble Hill. Hình bên phải: Bao bì cho Etude House, thiết kế bởi ohSeven Studio.


Một kiểu textural pattern khác mà chúng ta có thể thấy khắp mọi nơi đó là marble (đá hoa). Kiểu marble sẽ cho ra những hiệu ứng thị giác khác nhau, tùy thuộc vào màu sắc và cách tạo hình các đường xoáy.

Hình bên trái: Thiết kế của Nathan Riley cho Botanical Coffee Co. Hình bên phải: Bao bì xà phòng Aromatherapy, thiết kế bởi Alaa Amra.


6/ COMBINING PATTERN

Khi mà bạn đã sáng tạo rất nhiều trong thế giới pattern, phải làm sao khi đột nhiên 1 ngày bạn thấy chán và muốn kết hợp thật nhiều kiểu pattern vào trong thiết kế của mình? Điều thú vị là với pattern, bạn sẽ không cứ phải giới hạn mình trong bất cứ chỉ 1 kiểu nào cả. Bạn có thể kết hợp các kiểu pattern này lại với nhau, đây chính là Combining, từ bao bì cho tới bộ văn phòng - có vô số nhãn hàng thiết kế không chỉ 1 mà nhiều mẫu pattern để sử dụng. Và đương nhiên, không có quy luật nghiêm ngặt nào cho việc kết hợp nhiều pattern, chỉ cần bạn nhớ đặt chúng thật ăn ý với nhau và phù hợp cho thương hiệu là ok rồi.

Bao bì cho brand HongKong Tea, thiết kế của Sergio Laskin.


Một điều mình cần bạn để tâm là với Combining pattern, phải có ít nhất một yếu tố thiết kế có thể kết nối các mẫu pattern với nhau – ví dụ như các thiết kế pattern đều theo nghệ thuật line art với phối màu đơn sắc, hay cùng là hình vẽ hoa lá cành với chất liệu màu nước, v..v.. Mình gợi ý cách dễ nhất là kết nối dựa vào màu sắc, không nhất thiết phải chọn màu y hệt, bạn có thể chọn một dải với những màu tương tự nhau, ví dụ như dải pastel.

Thiết kế của A-Side Studio cho bao bì Macondo Chocolate Co.


“Everything is better with a pattern”

Bạn thấy rồi đó, sáng tạo với pattern là không giới hạn. Chỉ cần luôn nhớ khách hàng của bạn là ai và style mà bạn theo đuổi là gì từ đó mà tạo ra một phong cách thiết kế nhất quán cho thương hiệu của bạn.

Nàoo bây giờ hãy can đảm nhảy vào thế giới cực kỳ thú vị của pattern và tạo ra những thiết kế độc nhất vô nhị cho riêng mình nhé.

Inspiration of the day

Everything is designed. Few things are designed well

Brian Reed, front-end developer and musician