Pop Art là gì? trọn bộ Tips làm pop Art ấn tượng
Bạn đã biết tới Pop Art - một xu hướng đầy mới mẻ và hiện đại của lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế? Bằng cách kết hợp các chất liệu văn hóa đương đại như hoạt hình, người nổi tiếng, .. và những gam màu đậm nét, Pop Art mang tới một hơi thở đầy tươi mới và sôi động đến người xem. Vậy Pop Art là gì? Những đặc điểm nhận dạng của chúng và tips thiết kế Pop Art phù hợp? Hãy cùng giải đáp tất tần tật trong bài viết này nhé
Pop Art là gì?
Pop Art (viết tắt của Popular Art - Nghệ thuật Đại chúng) là xu hướng nghệ thuật thị giác ‘lên sàn’ từ khoảng thời gian bắt đầu nền công nghiệp. Lấy cảm hứng từ chính nền tiếp thị đương đại, Pop Art thường sử dụng những chất liệu văn hóa, xã hội; kết hợp với các kĩ thuật mô phỏng, sắp xếp khác nhau. Ví dụ, Pop Art Mỹ sử dụng các yếu tố như chiến tranh, các hình ảnh hào nhoáng... Ở Nhật Bản, nhân vật mang tính biểu tượng trong manga và anime được khai thác triệt để như Speed Racer và Astro Boy...
Để nhận biết thiết kế Pop Art, chúng thường sử dụng những khối màu sống động, tương phản cao; kết hợp với đường nét đậm nhạt, phân tách rạch ròi. Bố cục cũng khá đơn giản, thường khai thác những hình ảnh sinh động, mang đến cảm giác hiện đại và … rất pop!
Thông thường, Pop Art designer lấy nguồn cảm ứng từ các chất liệu văn hóa như: truyền thông quảng cáo, phim ảnh, truyện tranh, biểu tượng vv… đặc biệt là truyền hình. Không quá ngạc nhiên khi Pop Art design dù đơn giản về mặt tư duy thẩm mỹ và kĩ thuật, nhưng vẫn cực kì phổ biến và được ưa chuộng ở nhiều nơi. Bên cạnh thiết kế phẳng, Pop Art còn ‘đổ bộ’ trên những mẫu thiết kế bao bì, poster, tạp chí, tranh acrylic, thiết kế nội thất… nữa đấy.
‘Bắt cặp’ cùng nghệ thuật
Pop Art design không hề ‘kén’ chất liệu. Cho dù là tinh xảo như những bức sơn dầu, những tác phẩm nghệ thuật hội họa, điêu khắc; cho đến những nhân vật đại chúng như Elvis, Marilyn Monroe, các thương hiệu phổ biến,... Pop Art đều sẵn lòng ‘mở cửa’. Do đó, Pop Art có khả năng biến những điều tưởng chừng rất ‘đời’ trở nên đậm chất nghệ thuật.
Chính nhờ chất liệu đời thường này, Pop Art có lợi thế gần gũi với đại chúng hơn, rất phù hợp nếu bạn muốn lôi cuốn người xem trong những sản phẩm quảng cáo, hay ấn phẩm truyền thông mà vẫn muốn thể hiện ‘chất’ nghệ thuật đấy.
Cảm hứng tiện nghi, vật chất
Thời điểm xuất hiện Pop Art là lúc thế giới chuyển mình phát triển với phong trào sản xuất và tiêu dùng hàng hóa đến mức cực thịnh. Chính vì vậy các ấn phẩm quảng cáo thời đại này khá phát triển và trở thành hình mẫu kinh điển cho truyền thông, thiết kế. Bạn thử để ý mà xem, các ấn phẩm quảng cáo mang phong cách Pop-art thường mô tả sự phong phú, sung túc của xã hội với những hình ảnh đầy sinh động và thực tế.
Sử dụng người nổi tiếng
Thập niên 50s-60s là thời kỳ mà cả nước Mỹ phải trầm trồ, tán dương hình ảnh của những ngôi sao giải trí như Marilyn Monroe hay Elvis Presley. Đây cũng là chủ đề phổ biến của Pop Art với sự xuất hiện dày đặc của những người nổi tiếng trong Hollywood, Đại lộ Danh vọng, phim ảnh hay âm nhạc nói chung,… Việc khai thác hình ảnh những ngôi sao này cũng giúp thiết kế trở nên bắt mắt và lôi cuốn người xem hơn những chủ đề khác rất nhiều.
Cắt dán hình ảnh
Một đặc điểm ‘nhận dạng’ nữa của các tác phẩm mang phong cách Pop Art đó là, các mảng hình ảnh có cảm giác được cắt dán, cắt ghép khá thủ công và vụng về từ nhiều loại sách báo, tạp chí khác nhau. Tuy nhiên, chính việc kết hợp những hình ảnh tưởng chừng không liên quan này lại mang đến kết quả mới lạ và thú vị. Pop Art quả là một sân chơi phù hợp để designer thỏa sức sáng tạo, kết hợp những công thức chưa từng có, mà vẫn đem đến tổng thể thật ăn ý.Màu sắc bão hòa
Điểm đầu tiên chạm vào mắt người xem ở mỗi sản phẩm Pop Art, không đâu khác ngoài cách sử dụng màu sắc cực kì nổi bật. Với những mảng màu cơ bản, ‘bắt cặp’ cùng những gam màu neon sôi động, Pop Art mang tới một hơi thở đầy lạc quan và sống động. Thêm một điểm cộng nữa khiến loại hình này được ưa chuộng đến vậy, vì nó có khả năng hút mắt người xem, khơi dậy sự hứng khởi và tinh thần sôi nổi, tích cực. Một tips nếu bạn muốn thiết kế Pop Art, hãy nắm vững vòng tròn màu sắc và cách phối màu cơ bản nhé, từ đó bạn mới có thể thỏa sức kết hợp màu theo phong cách của riêng mình. Bởi đôi khi các gam màu có độ bão hòa cao khá ‘kén’ và có thể gây cảm giác chói mắt, vậy nên hãy cân nhắc lựa chọn cẩn thận bạn nhé.
Hoạt hình và truyện tranh
Có lẽ, chẳng có nhiều mẫu thiết kế ‘tận dụng’ triệt để các chất liệu vui nhộn, tươi mới như hoạt hình, truyện tranh được bằng Pop Art đâu. Các nhân vật Disney hay DC, Marvel mà chúng mình đã từng ‘trông mòn con mắt’ giờ đây đã được thổi hồn sinh động trong các mẫu Pop Art, để rồi khiến người xem được ‘một phen’ bất ngờ vì sự cắt ghép, kết hợp thú vị với nhau. Tuy nhiên, để tổng thể vẫn thống nhất và không có cảm giác lộn xộn, bạn nên bổ sung những đường viền, đường kẻ gọn gàng hay những nét phác thảo đậm nét cách điệu nhé. Bạn cũng nên sử dụng những màu sắc rõ nét, nổi bật để tạo cảm giác vui vẻ, nhiều năng lượng, phù hợp với tinh thần của các sản phẩm Pop Art này.
Tạm kết
Hi vọng thông qua bài viết này, bạn đã ‘bỏ túi’ cho mình những hiểu biết nhất định về Pop Art. Đừng quên khóa học Photoshop và Illustrator tại ColorME sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ kiến thức thiết kế, tư duy thẩm mỹ và cách sử dụng công cụ, để bạn có thể tự tin thiết kế sản phẩm Pop Art thật ưng ý cho mình nhé.