Thiết kế đồ họa cần học những gì?
“Muốn thiết kế đồ họa cần học những gì?” luôn là câu hỏi thường trực đối với các bạn mới bước chân vào con đường thiết kế đồ họa. Để giúp bạn có hành trang vững chắc và thuận lợi hơn trong ngành thiết kế, bài viết dưới đây ColorME sẽ giải đáp mọi thắc mắc
1. Thiết bị/ dụng cụ:
Laptop cấu hình tốt
Ngành học này yêu cầu máy tính phải có cấu hình mạnh, bao gồm vi xử lý và ổ cứng đủ nhanh trong quá trình học tập. Bạn nên chọn mua các laptop sử dụng vi xử lý cao cấp từ Intel Core i7 trở lên để giúp quá trình học tập tốt hơn.
Công việc của một người thiết kế đồ họa cần nhiều dung lượng để lưu trữ dữ liệu khoảng từ 500 GB trở lên. Do đó, bạn nên có một bộ ổ cứng bao gồm: ổ cứng trong máy, ổ cứng di động và ổ cứng trực tuyến.
Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị một số “ổ cứng online” để đảm bảo dự phòng dữ liệu ở nhiều nơi. Có rất nhiều trang web lưu trữ dữ liệu trực tuyến miễn phí tốt như Google Drive, Dropbox, One Drive, FShare…
Sổ tay và bút
Vì ý tưởng luôn bất ngờ xuất hiện vậy nên hãy luôn giữ một cuốn sổ ghi chép (phác họa) cùng một ngồi cây bút, bạn có thể nhanh chóng ghi lại những ý tưởng tại bất cứ nơi nào bạn đi qua.
Bảng vẽ đồ họa
Bảng vẽ là một công cụ hỗ trợ tối ưu trong thiết kế đồ họa. Thay vì dùng chuột, ta dùng bút để vẽ lên trên bề mặt bảng, do đó ta có thể thực hiện các thao tác vẽ, thiết kế, chỉnh sửa sẽ chính xác và dễ dàng hơn rất nhiều. Hiện nay trên thị trường bảng vẽ đồ họa, Wacom là cái tên phổ biến và được các designer tin tưởng sử dụng.
2. Kiến thức chuyên môn
Để có thể tạo ra các sản phẩm thiết kế chuyên nghiệp, bạn không chỉ cần sử dụng thành thạo các công cụ phần mềm mà còn phải nắm vững cả kiến thức nền tảng thiết kế.
Lý thuyết:
Lý thuyết trong thiết kế đồ họa là những kiến thức về thiết kế, mỹ thuật bao gồm bố cục, các yếu tố trong thiết kế, nguyên lý thị giác, nguyên tắc thiết kế, phong trào thiết kế…
Đây là những phần kiến thức quan trọng giúp bạn có một cái nhìn thẩm mỹ hơn trong thiết kế. Hơn thế nữa hiểu rõ nguồn gốc, cách vận hành của thiết kế và nghệ thuật, bạn có thể áp dụng chúng trên nhiều lĩnh vực đa dạng của cuộc sống.
Thực hành:
Kỹ năng vẽ tay
Để trở thành Designer bạn không nhất thiết phải có kỹ năng vẽ tay. Tuy nhiên, kỹ năng phác thảo các hình ảnh minh họa vẫn luôn cần thiết để designer nâng cao khả năng tư duy và biến các ý tưởng thành tác phẩm thiết kế dễ dàng hơn khi bắt đầu thiết kế trên máy tính.
Thành thạo các công cụ thiết kế cơ bản
- Thiết kế in ấn, xuất bản: Photoshop, Illustrator, Indesign, Corel
- Thiết kế giao diện web & app: Photoshop, Flash, Dreamweaver, Adobe Xd
- Thiết kế quảng cáo trực tuyến: Photoshop, Illustrator, Indesign, Powerpoint
- Thiết kế minh họa: Photoshop, Illustrator
- Thiết kế bao bì: Illustrator, Indesign, 3Dmax, Cinema4d
Nếu bạn còn thắc mắc về các lĩnh vực trong ngành thiết kế đồ họa, tham khảo bài viết Graphic Design là gì? Từ A-Z về Graphic Design để hiểu rõ hơn nhé. Càng nắm được nhiều công cụ thiết kế, bạn càng có khả năng hoạt động trên nhiều lĩnh vực thiết kế đồ họa, từ đó mở rộng các cơ hội việc làm cho bản thân. Tuy nhiên nếu bạn mới học thiết kế cơ bản thì nên bắt đầu làm quen với Photoshop và Illustrator. Bởi hai phần mềm này dễ học, dễ sử dụng và được dùng hầu hết trong các mảng thiết kế đồ họa.
3. Kiến thức bổ trợ từng ngành:
Bên cạnh kiến thức thiết kế đồ họa chuyên môn, bạn cần không ngừng học hỏi, bổ sung kiến thức đa ngành để bắt nhịp xu hướng cũng như đáp ứng thị hiếu và yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Kiến thức marketing thương hiệu rất cần thiết khi bạn hoạt động trong lĩnh vực thiết kế quảng cáo hoặc thiết kế nhận diện thương hiệu. Design chính là công việc cụ thể hoá những nội dung của Marketing thành các sản phẩm đồ hoạ. Do đó, có hiểu biết về Marketing sẽ giúp bạn thấu hiểu hành vi của khách hàng (người xem) hơn, từ đó truyền tải phần hình ảnh của sản phẩm, thương hiệu rõ ràng và chính xác hơn.
Kiến thức về các ngôn ngữ lập trình HTML, CSS, JavaScript đặc biệt cần thiết đối với các UI/UX designer để bạn có thể làm việc ăn ý với các nhà phát triển phần mềm và mang đến trải nghiệm thân thiện với người dùng app
Kiến thức in ấn, quản lý màu chủ yếu cần thiết với các nhà hoạt động ở mảng thiết kế in ấn, xuất bản. Nắm vững các kỹ thuật này cho phép bạn kiểm soát chất lượng sản phẩm cuối cùng một cách tốt nhất, màu sắc đúng với bản thiết kế cũng như chọn được kỹ thuật in ấn phù hợp với sản phẩm, tránh việc in đi in lại nhiều lần.
Ngoại ngữ
Thực tế, để trở có thể hoạt động tốt trong ngành thiết kế đồ họa, bạn cũng nên "biết tiếng Anh". Tại sao điều này cần thiết? Bởi, bạn có thể:
- Học sử dụng nhanh các phần mềm chuyên dụng.
- Dễ dàng cập nhật, tiếp cận các xu hướng thiết kế mới trên thế giới.
- Có cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài, nhận dự án thiết kế từ các website dành cho Freelancer nước ngoài.
Tạm kết,
Với những chia sẻ trên đây, ColorME hi vọng sẽ giúp bạn không còn bỡ ngỡ khi nhập môn thiết kế đồ họa nhé. Nếu bạn muốn chuẩn bị hành trang vững chắc trên con đường thiết kế đồ họa, tham khảo ngay các khóa học thiết kế cho người mới bắt đầu tại ColorME nhé.