Cầm máy ảnh nhưng không biết chụp gì ngoài việc chụp vu vơ?

Đa phần chúng ta đến với nhiếp ảnh vì thấy người ta cầm máy ảnh, chụp ra được những bức ảnh xịn xò, màu mè đẹp đẽ, hay đơn giản là có ý nghĩa, nghĩ rằng điện thoại không thể chụp được ra những bức ảnh như vậy mà chỉ có những chiếc máy cơ đen bóng “xịn xò” với những ống kính đắt tiền mới chụp ra được những bức ảnh như thế. Điều đó xảy ra với hầu hết những người trẻ đến với nhiếp ảnh ngày đầu tiên, bằng chứng là rất nhiều bạn trẻ khi tiếp xúc với tôi, muốn xin tư vấn mua máy, nhưng khi tôi hỏi câu hỏi đầu tiên rằng: “em mua máy để chụp gì?” thì đều rơi vào tình trạng vô định mung lung, rằng “em mua máy để đi du lịch chụp”, hay “chụp mấy thứ linh tinh thôi anh”, hoặc “để chụp như anh hay chụp ý!?”

Rồi đến khi sở hữu được chiếc máy ảnh đầu tiên của mình, chúng ta sẽ lại đau đầu tiếp vào vấn đề muôn thở của người mới, đó là chụp-cái-gì. Đi ra phố phường thấy cảnh đẹp, giơ máy lên “xoạch” một cái, xem lại ảnh lại thấy không đẹp không như ý mình; hẹn bạn đi café rồi chụp, bấm bấm xoành xoạch cả buổi, ngồi “check” ảnh lại thấy không ưng, hay vô vàn dịp khác, cơ hội bấm máy khác, mặc dù mình đã chỉnh chu căn ke theo các bố cục được truyền dạy trên các trang chia sẻ nhưng vẫn không được…

Vậy thì vấn đề nằm ở đâu?

Đơn giản rằng nó nằm ở việc chúng ta chưa có khái niệm “nghĩ trước khi chụp”, hoặc hiểu nôm na là chưa biết bức ảnh mình muốn chụp nó sẽ như thế nào. Vì chưa nghĩ nên thường sẽ giơ máy lên bấm bừa hên xui, vì chưa biết bức ảnh mình chụp nó sẽ như thế nào nên sau khi xem lại ảnh thấy nó khác xa so với mong muốn của mình. Vậy làm sao để thay đổi, để biết bức ảnh của mình sẽ trông như thế nào?

Việc đầu tiên là chúng ta phải lên ý tưởng cho buổi chụp, đại loại như hôm nay ra phố mình sẽ chụp gì, cần những gì (ví dụ như cần trời nắng rồi có bóng bóng cây dưới đường hay gió hiu hiu thôi blab la…); hoặc nếu muốn thực hiện concept nào đó, việc đầu tiên là tìm những bức ảnh nó liên quan đến concept đó đã được những người đi trước thực hiện, phân tích xem để chụp được những bức đó thì cần chuẩn bị gì, khung cảnh như nào… (cách này cực kì dễ làm, và rèn luyện cho mắt thẩm mĩ của bản thân được nâng lên khá nhiều theo thời gian); hoặc bí ý tưởng quá thì có thể tìm ý tưởng trong những quyển sách cũng được (mình đã dùng cách này để thực hiện bộ ảnh “couple” đầu tiên của bản thân, lấy ý tưởng trong sách và cũng là những điều mình muốn trong đời thật).


Công việc tiếp theo sau khi đã lên concept và tìm xong ý tưởng là ghi lại nó theo cách dễ nhớ nhất, bằng cách lưu bức ảnh mình muốn chụp như vậy về điện thoại/máy tính bảng hay bất kì thiết bị lưu trữ nào khác bản thân có; hoặc như mình, ghi lại ý tưởng ra giấy, ví dụ như bức này chụp cái gì, lấy nét vào đâu, góc máy như nào, sự vật sự việc lúc đó xảy ra như nào… Kết hợp thêm những kiến thức về bố cục, màu sắc, ánh sáng, mình chắc chắn rằng bức ảnh sản phẩm của các bạn, kể cả mới cầm máy hay chưa biết gì về các kiến thức cao xa bố cục màu sắc, layer, thì nó cũng vẫn là bức ảnh ổn, vì nó có nội dung, người xem ảnh sẽ biết bạn chụp gì dễ dàng.

Nhiếp ảnh, nó đơn giản chỉ là kể cho người khác nghe một sự vật sự việc, một khoảnh khắc nào đó qua góc nhìn của bản thân, để người thưởng ảnh thấy được thứ mình thấy theo cách nhìn của mình. Chỉ vậy thôi.

Thành Đạt - OPE RUA

Inspiration of the day

Everything is designed. Few things are designed well

Brian Reed, front-end developer and musician