Cẩm nang chụp Film: review Fuji C200 - khởi đầu đáng nhớ của mọi Filmer
Khi được hỏi về cuộn film đầu tiên, đa số bạn bè của mình đã đưa ra đáp án là Fuji C200. Đây là 1 trong những đại diện thuộc dòng film Fuji ít ỏi còn sót lại tại Việt Nam. Ngay bây giờ hãy cùng ColorME đi tìm hiểu về cuộn film “lần đầu” đáng nhớ này nhé! Sẵn sàng xem ảnh và rút ra nhận xét cho riêng mình nữa!
I.Lịch sử và thông số
I.1. Lịch sử
Fujicolor C200 (gọi tắt là Fuji C200) là sản phẩm của Fujifilm - tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ống kính, máy ảnh, thiết bị quang học, film chụp.
Hiện nay Fujifilm và Eastman Kodak là 2 tập đoàn sản xuất film lớn nhất còn sót lại (các thương hiệu như Konica, Rossmann, Efiniti...gần như đã vắng bóng trên thị trường). Điều này giải thích tại sao thị trường film hiện nay dường như là sự lựa chọn giữa Fuji hay Kodak mà thôi.
Credit: Vũ Thu Hương | Group “Humans of FILM”
Fuji C200 là sản phẩm hướng đến thị trường đại chúng của Fujifilm, xuất hiện vào khoảng những năm 1990 và được cải tiến vào năm 2017 với công nghệ hạt siêu mịn của Fuji (super fine grain technology).
I.2. Thông số
Fuji C200 là film 135 âm bản màu với các thông số cụ thể:
- ISO: 200 (indate)
- Cân bằng trắng: 5500K
- Số kiểu: 24 hoặc 36
- Quy trình tráng: C-41
Trên trang chủ của Fujifilm, Fuji C200 được mô tả với các tính năng như sau:
- Daylight-type for sunlight or flash: film dành để chụp ban ngày
- Excellent Grain Quality: hạt mịn, không giảm chất lượng ảnh ở khổ lớn
- Wide Exposure Latitude: dải phơi sáng rộng cho ra chất lượng ảnh ổn định ở nhiều điều kiện ánh sáng.
- Excellent Skin Color Reproduction: tông da đẹp, tự nhiên
- Excellent Sharpness: phản ánh cực kì sắc nét mọi khía cạnh từ tổng quan đến chi tiết của sự vật.
Đó là mô tả từ nhà phát hành, còn khi sử dụng thực tế thì ra sao? Thực ra mọi người không nên *chủ quan* chỉ sau 1,2 lần dùng mà quy chụp chất lượng của dòng film bởi đánh giá trên 1 tấm ảnh còn phụ thuộc vào cuộn film bạn chụp có được bảo quản tốt không, indate hay outdate, cách điều chỉnh ánh sáng và quy trình tráng film nữa!
Credit: Vũ Thu Hương | Group “Humans of FILM”
Về giá cả, Fuji C200 nằm cùng phân khúc với Kodak Colorplus 200 - đều là dòng film bình dân dành cho người dùng phổ thông. Vì thế Fuji C200 trở thành “lần đầu” đáng nhớ của nhiều bạn chơi film.
Tuy nhiên vào đầu năm 2019, Fujifilm thông báo sẽ tăng 30% giá film vì lí do chi phí nguyên vật liệu đắt đỏ. Theo đó, 1 cuộn Fuji C200 36 kiểu tăng từ 70.000đ (cuối năm 2018) lên tới 100.000đ (2019). Hiện tại (9/2020) bạn có thể mua Fuji C200 với giá khoảng 130-140k/ cuộn 36exp.
I.3. So sánh với dòng film Fuji khác
Hiện nay trên Website chính thức của Fujifilm chỉ còn giới thiệu về 3 loại film âm bản: Fuji C200, Fuji Superia X-tra 400 và Fuji Pro 400H (dòng chuyên nghiệp, vừa bị tuyên bố "khai tử"). Điều này cho thấy mảng sản xuất film đang dần bị thu hẹp lại và những dòng film Fuji khác không được đề cập, vốn đã ít ỏi sẽ càng khan hiếm hơn.
Để so sánh Fuji C200 với Fuji Xtra-400 thì mình thấy màu của Fuji C200 tương đối trung tính, Fuji Xtra có màu đậm và ngọt ngào hơn. Nhưng với tình hình khan hiếm thì cứ có film Fuji để trải nghiệm là thích rồi! Liệu bạn có dám bỏ 500-600k để trải nghiệm 1 cuộn Fuji Pro 400H trước khi nó "tuyệt chủng"?
II. Đặc điểm và màu sắc
Màu sắc: màu trung tính, khi có nắng lên khá đẹp.
Tone màu hơi ngả sang màu xanh dương (nhận thấy rõ ràng khi so sánh với ảnh chụp bằng Kodak Colorplus 200). Vùng tối ám màu xanh khá rõ rệt.
Credit: An Xuân, Kiên Mười Dễ | Group “Humans of FILM”
Khả năng xử lý: đúng theo mô tả từ nhà sản xuất khi Fuji C200 xử lý thừa thiếu sáng khá tốt, tuy nhiên nên ưu tiên chụp đúng hoặc dư sáng hơn.
III. Trăm nghe không bằng 1 thấy
III.1. Chụp đường phố
Với giá thành thấp nhất trong các loại film của hãng, Fuji C200 là 1 lựa chọn của nhiều người thích chụp Streetlife bởi Fuji C200 thích hợp chụp ngoài trời và chụp nhiều kiểu ngẫu hứng "đỡ tiếc" hơn.
Credit: Cừu Bay, Minh Nguyenn | Group “Humans of FILM”
Nếu có nắng thì ảnh lên rất trong trẻo còn không thì hơi ảm đạm vì tính chất màu khá trung tính. Các vùng sáng sẽ mất chi tiết ít nhiều nên nếu có ánh sáng thì ảnh cực kỳ đặc trưng theo style Nhật Bản (mặc dù đây không phải đại diện tiêu biểu nhất cho ra “màu Nhật Bản”).
Credit: Cừu Bay, Minh Nguyenn | Group “Humans of FILM”
Nếu chụp đường phố nhưng thiếu sáng hoặc chụp buổi đêm thì tùy "nhân phẩm" và vị trí chụp, có thể cho ra màu rất giống phim điện ảnh hoặc màu rất bệt, hơi xỉn.
Credit: Nguyễn Hùng, Cừu Bay | Group “Humans of FILM”
Credit: Phan Phước, Hồ Trần Trọng Hiếu | Group “Humans of FILM”
Chụp đêm khiến nguồn sáng có xu hướng ngả sang màu đỏ, vùng tối cũng bị ám màu đỏ nâu - xanh lá khá nhiều.
III.2. Chụp biển/nước
Có vẻ như việc lựa chọn chụp film (thay vì chụp điện thoại và áp filter màu vào) đã là một điều đáng “tuyên dương” vì thế phần thưởng đó là khi chụp biển hay sông nước, màu lên rất sống động!
Credit: Hữu Quyết | Group “Film Photo Club”
吳建烽 | Group “Humans of FILM”
Màu xanh của bầu trời hay mặt biển được tôn lên bởi Fuji C200 vốn đã ám xanh, trở nên rất đậm đà. Nếu chụp khi mặt nước có nắng để lấy tia sáng lấp lánh thì màu xanh sẽ nhạt đi nhưng nhìn vẫn rất lãng mạn và mang sắc thái điện ảnh!
III.3. Chụp hoàng hôn
Credit: Tiep Le Viet | Group “FILM PHOTO CLUB”
Chu Đức Anh | Group “Humans of FILM”
Không chỉ chụp biển mà chụp hoàng hôn, filmer cũng được ưu ái vì màu lên rất mềm mại. Theo mình thấy thì đối với chụp hoàng hôn, không có nhiều khác biệt khi chụp Fuji C200 hay Kodak Colorplus 200. Chỉ khác ở chỗ là chụp Fuji C200 có vẻ dễ được “trời độ” cho *màu cam tím hơi ngả hồng* như trên ảnh đó thôi!
Credit: Huynh Pham Huy, Quỳnh Hoa | Group “Humans of FILM”
III.4. Chụp người
Đúng như lời mô tả từ nhà sản xuất, khi chụp người thì màu da lên vẫn giữ được sắc tố, sáng đẹp và mịn nếu chụp dưới ánh nắng. À còn trường hợp chụp thiếu sáng thì đọc tiếp sẽ rõ nha...
Credit: Hoàng Thảo, Vũ Thụy Khuê | Group “Humans of FILM”
III.5. Chụp trong nhà (Indoor)
Chụp indoor với đủ ánh sáng, màu ảnh Fuji C200 vẫn lên chân thực, nhưng tương phản vùng sáng tối là khá nhiều.
Credit: Lam Le, Soi Rukami | Group “Humans of FILM”
Credit: Nguyễn Huyền My | Group “Humans of FILM”
Lợi dụng việc trong nhà thiếu sáng bạn có thể chụp silhouette (chụp bóng đen của người) luôn cũng được nha, đây cũng là 1 phương án thú vị.
III.6. Chụp cây cỏ
Có 1 giai thoại không chính thức về Fuji C200 là “film này chỉ chụp cây cỏ hoa lá là đẹp”. Thật vậy thì khi chụp hoa-lá-cây-cỏ dưới nắng, màu lên khá trong trẻo và nhiều sức sống.
Credit: Dun No | Group “FILM PHOTO CLUB”
Trần Thành Chiến | Group “Humans of FILM”
Chụp hoa giấy cũng lên màu khá đẹp với Fuji C200
Credit: Nguyễn Thành Tân | Group “Humans of FILM”
I.V. Đánh giá & Tips
I.V.1. Nên chụp màu sắc nào?
- Màu đỏ: khác với Kodak Colorplus 200 khi chụp màu đỏ dễ chuyển sang cam thì Fuji C200 cho ra màu đỏ rất đậm đà, trầm mặc và hoài cổ. Bạn đem Fuji C200 chụp những đối tượng với “tính cách” tương tự thì rất hợp đó!
Credit: Đinh Ngọc Phương Thùy, Kundun Vo | Group “Humans of FILM”
Nhìn màu đỏ khiến mình nhớ đến màu sắc trong những phim 90s của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Có nét gì đó man mác buồn, cũ kĩ. Để giảm bớt thì bạn nên chụp dưới nắng để ảnh có sức sống vui tươi hơn nha.
Credit: Phan Bảo Ngọc | Group “Humans of FILM”
- Màu xanh dương: màu bầu trời, mặt biển hay quần Jeans Denim chụp bằng Fuji C200 hết sảy luôn các bạn nhé! Tất nhiên yếu tố ánh sáng sẽ quyết định sắc độ của màu xanh này.
Credit: Nguyễn Minh Giang | Group “Humans of FILM”
Lan Huong | Group “FILM PHOTO CLUB”
Credit: Nguyễn Hùng
Tí Hon | Group “Humans of FILM”
- Màu xanh lá: qua những bức ảnh trên thì các bạn cũng thấy là Fuji C200 hợp chụp cỏ cây lá thế nào rồi nhỉ. Tuy nhiên có 1 lưu ý rằng khi vùng cây cối quá thiếu sáng thì nên đẩy sáng lên nếu không vùng đó sẽ cho ra màu xanh khá âm u, cảm giác kinh dị.
Credit: Trần Việt Trí | Group “Humans of FILM”
Lan Huong | Group “FILM PHOTO CLUB”
Bức ảnh với vùng xanh bị quá tối nên trông hơi đáng sợ.
Credit: Cừu Bay | Group “Humans of FILM”
Hạn chế: màu vàng. Cũng trái với Kodak Colorplus 200 lên màu vàng rực rỡ thì Fuji C200 cho ra màu vàng khá nhạt, không được tôn lên nên kém ấn tượng hẳn. Điều này hẳn là do màu ám xanh (lạnh) của film đã trung hòa bớt màu vàng (nóng).
Credit: Trịnh Trần, Duc Nghia Dinh | Group “Humans of FILM”
I.V.2. Xử lý vài trường hợp cụ thể?
- Chụp indoor: đối với chụp trong nhà thì các bạn hãy tận dụng ánh sáng nhân tạo (đèn, hắt sáng) nhiều nhất có thể và nên đứng chụp nơi nhiều ánh sáng.
Ánh sáng cũng có nhiều loại như đèn vàng (đèn dây tóc tungsten), đèn huỳnh quang (ánh sáng trắng), đèn Neon, đèn Led,... Những hình dưới đây được chụp trong điều kiện đèn huỳnh quang nên ảnh ám màu xanh nhẹ nhìn khá thú vị. Đối với đèn vàng thì vùng sáng sẽ được trung hòa thành ánh sáng trắng.
Credit: Nguyễn Hùng, Lee Tran | Group “FILM PHOTO CLUB”
Credit: Thùy, Phương Linh | Group “FILM PHOTO CLUB”
Lợi dụng ánh sáng tự nhiên khi chụp gần cửa sổ hoặc lấy tia sáng chiếu vào trong nhà: công thức quen thuộc cho những shot ảnh “nàng thơ” đây rồi. Bạn hãy để mẫu hứng ánh sáng để màu da đẹp hơn nhé, nếu không sẽ vẫn bị đỏ nhẹ đó.
Credit: Phạm Minh | Group “FILM PHOTO CLUB”
Đừng bỏ lỡ ánh sáng hoàng hôn chiếu vào phòng, bạn sẽ có cơ hội chụp được bức ảnh cam hồng tím ảo diệu như thế này đó!
- Chụp người: Một điểm trừ lớn của Fuji C200 đó chính là chụp thiếu sáng hoặc ngược sáng, trong bóng râm thì da người sẽ dễ lên màu nâu đỏ, tệ hơn thì sẽ bị bệt và xỉn nữa. Cách khắc phục tình thế có lẽ là dùng hắt sáng hoặc Flash.
Credit: Duc Nghia Dinh, Nguyễn Hùng | Group “Humans of FILM”
Ngoài ra nếu có điều kiện về ánh sáng thì chẳng tội gì chụp trong bóng râm, bạn để mẫu ở chỗ có ánh nắng, hoặc đo sáng vào mặt mẫu rồi mạnh dạn chỉnh dư sáng 1-2 stop là yên tâm nha.
Credit: Viet Ha | Group “Humans of FILM”
Rong Reu | Group “FILM PHOTO CLUB”
I.V.3. Đánh giá & Khuyến nghị
Fuji C200 vẫn là lựa chọn rất đáng sử dụng cho người mới với tính đa dụng và giá cả “bình dân” nhất trong họ hàng Fuji còn sót lại.
Màu sắc và tương phản của film này ở mức trung bình. Nếu chụp dư sáng quá phần chi tiết ở vùng sáng (highlight) mất nhiều, màu sắc cũng bợt/nhợt hơn. Còn chụp đúng sáng trong nắng đẹp thì khỏi phải bàn cãi!
Các màu sắc mình khuyên nên chụp: Xanh dương, xanh lá, đỏ.
Hạn chế chọn màu chủ đạo là màu vàng vì không được màu film tôn lên.
Nên chụp: đường phố (ban ngày), hoàng hôn, biển, cây cỏ, con người.
Lưu ý: khi chụp trong bóng râm/ trời âm u/ thiếu sáng/ ngược sáng, da người dễ bị lên màu đỏ không được đẹp.
Trên đây là khuyến nghị của mình khi chụp Fuji C200. Tuy nhiên, nhiếp ảnh là ghi lại khoảnh khắc (khi gặp chủ thể hay ho thì không thể tháo film ra thay cuộn khác để chụp đúng ý đồ phải không nào). Vì thế hãy sử dụng những lời khuyên cho buổi chụp lên kế hoạch sẵn, còn với những tình huống ngẫu hứng thì đừng lăn tăn nhiều về màu film bạn nhé! Nhiếp ảnh Film hấp dẫn ở chỗ đó, nhiều khi may mắn lại được những đặc trưng cực kì độc đáo đó dù chụp trong chiều tối hay indoor, v.v...
Một số trường hợp chụp indoor/ bóng tối vẫn lên màu độc đáo theo cách riêng.
Credit: Truynh, Trần Thành Đạt | Group “Humans of FILM”
TẠM KẾT.
Hi vọng qua bài viết này, mình đã giúp những bạn mới chơi film có được cái nhìn tổng quan về cuộn film phổ biến, “lần đầu” của nhiều filmer - Fuji C200. Nếu bạn muốn có 1 nền tảng kiến thức, kỹ thuật để mau thành thạo chụp film và tự định hình được phong cách “chơi ảnh” của mình, hãy tham khảo khóa học Nhiếp ảnh (Photography) của ColorME ngay nhé! Sẽ có studio và buổi dã ngoại để bạn thực hành luôn đó!