GV. Thảo My

Thay vì bỏ ra vài năm mới tự học được điều gì đó. Sao ta không thử tìm nó ở những người xung quanh

Thay vì bỏ ra vài năm mới tự học được điều gì đó. Sao ta không thử tìm nó ở những người xung quanh

Nếu ai đã từng học lớp của chị Thảo My chắc chắn khó mà quên được hình ảnh một giảng viên luôn tươi cười, năng lượng rực cháy với mái tóc đỏ đặc trưng. Hãy cùng xem trong tập colorME Palette này, chị Thảo My sẽ chia sẻ những câu chuyện thú vị gì nhé!
Giảng viên Thảo My
“Nghề đã chọn người rồi thì thật sự là khó để tránh lắm”
   
Chị bắt đầu vào nghề từ khi nào mà cơ duyên nào đưa chị đến với lĩnh vực này?
Chị có đam mê với video, phim ảnh từ hồi chị còn bé. Đặc biệt gia đình chị cũng có mẹ làm nghề dựng phim nên từ khi còn nhỏ chị đã được xem mẹ sử dụng những thứ liên quan đến phim ảnh như: bàn trộn, dựng băng... Chị cảm thấy ngành phim này yêu cầu sự tỉ mỉ rất nhiều và chị thật sự rất yêu thích điều đó.

Nhưng quả thực là cơ duyên ‘’nghề chọn người’’ này cũng phải có cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Tất cả những thứ trong cuộc đời chị đều xoay quanh và bổ trợ cho việc chị theo đuổi ngành này như: xuất thân từ cái nôi nghệ thuật, thi vào đúng trường Sân Khấu Điện Ảnh với đúng ngành Biên tập truyền hình xong lại còn có cơ hội được làm trợ giảng, giảng viên các bộ môn video ở colorME nữa.
Mẹ chị có ảnh hưởng như thế nào trong quá trình phát triển của chị?
Thực ra mẹ chị không muốn cho chị theo ngành này thậm chí là cấm vì nghĩ ngành này rất vất vả. Nhưng tính chị thì luôn tò mò và luôn tìm cách để tự tải những bản demo về táy máy nghịch thử. Mẹ chị thấy vậy nên cũng không ngắn cấm nữa mà trở thành người định hướng cho chị luôn vì ‘’thà hướng dẫn cho con làm đúng còn hơn để nó sai từ những điều cơ bản’’. 

Mẹ chị định hướng cho chị theo học ngành Biên tập truyền hình ở trường Sân Khấu Điện Ảnh. Bản thân chị thì không giỏi ăn nói nhưng lại có khả năng liên tưởng rất tốt nên được mẹ hướng theo ngành này để định hướng content, ý tưởng, và liên kết logic điện ảnh và đo chính sự hay ho trong biên tập. 

Nhưng có một sự thật là khi cả hai đều trong một ngành thì rất dễ phát sinh mâu thuẫn, khác quan điểm. Nên mẹ chị cũng là động lực để khi nào chị giành được sự công nhận của mẹ thì chị sẽ coi đó là thành công.
“Trong lĩnh vực này, việc là nữ sẽ vừa có những bất lợi riêng nhưng cũng có những lợi thế vô cùng đặc biệt.”
 
Có định kiến cho rằng nữ sẽ không hợp/khó có thể làm designer hay video editor? Chị nghĩ sao về định kiến này?

Thực sự chị cũng đã từng được thấy, được nghe hoặc thậm chí trải qua những định kiến như thế này rồi. Ví dụ như: Làm phụ nữ thì không được đầu tư học quá nhiều hay cho rằng không có đủ năng lực và thời gian vì còn phải xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái,...  Điều này khiến họ không sẵn lòng đặt niềm tin và trao cho phụ nữ cơ hội để đảm nhận những trọng trách lớn. Xét cho cùng thì ai cũng muốn ưu tiên sự cam kết lâu dài và ổn định nhiều hơn.

Tuy nhiên, thay vì giống như đa số đàn ông thường nghĩ mọi thứ rất rành mạch, rõ ràng, xúc tích, thì phụ nữ lại có phần hơi overthinking hơn (haha). Cũng nhờ đó mà phụ nữ có được khả năng liên tưởng, nảy sinh ý tưởng rất tuyệt vời và họ có những cảm nhận sâu sắc để khiến cho sản phẩm trở nên có cảm xúc hơn, có hồn hơn.
Để trở thành một giảng viên ở colorME, chị có phải đánh đổi/vượt qua khó khăn gì? Và thứ gì đã giúp chị vượt qua được những điều đó?

Chị đã từng phải từ bỏ một công việc liên quan đến việc chạy sóng có mức thu nhập khá cao và cực kì ổn định nhưng cái giá của nó là chị phải làm mọi thứ có phần ‘’tù túng’’ vì không được gặp gỡ nhiều người. Nhưng đối với tính cách của chị thì việc không được gặp nhiều người trong một thời gian thực sự khá là ‘’thiếu thốn’’.

Đối với chị gặp nhiều người cho mình rất nhiều bài học hay vì mỗi người đều có những câu chuyện riêng và trải nghiệm riêng. Đáng ra mình có thể mất vài năm thì mới học được bài học đó nhưng mình có thể nghe chính họ chia sẻ và cũng trao đi những điều mà họ chưa được biết để làm giàu lên vốn sống của cả hai. Đôi khi một mẩu chuyện, một lời định hướng hay một lời khuyên thôi cũng có thể giúp ai đó tìm thấy được đam mê của mình. Đó là lí do chị rất yêu việc chị đang có cơ hội được làm giảng viên cũng như là diễn giả cho một số chương trình lớn nhỏ.
“Chẳng có lí do gì mà một người mù màu lại không thể học thiết kế cả”
Những thành tựu của chị trong quá trình giảng dạy?

Cũng hơi khó, tại vì mỗi lần chị làm một dự án hay thậm chí là giảng dạy, thì chị sẽ dồn hết tâm huyết và năng lượng của mình vào đó hay có nhiều người còn gọi là ‘’lên đồng’’ ý (haha). Khi đó chị sẽ rát quyết liệt, không còn lo nghĩ, hồi hộp hay sợ hãi gì nữa. Nên đối với chị, bất kì thứ gì chị làm, chị đều cháy hết mình vì nó. Nên có thể chính vì đó mà đối với chị thì dự án/công việc nào chị từng làm cũng là một thành tựu.

Còn nếu để kể tên thì có một buổi talkshow đầu tiên ở DAV, chị có cơ hội được đứng bên cạnh một chuyên gia - nhà sản xuất của VTV7 với cương vị diễn giả đồng hành. Và đến bây giờ chị vẫn luôn tự hào về khoảnh khắc đó,
Trong suốt quá trình giảng dạy, chị có kỉ niệm nào hay một cá nhân nào khiến ấn tượng khó quên không?

Chị từng dạy 1:1 cho một bạn mù màu. Giải thích một chút thì sẽ có nhiều kiểu mù màu như bị giảm độ rực của mọi thứ, chỉ nhìn thấy những màu cơ bản, bị lệch một số màu hay là không thấy màu sắc gì luôn. Thì bạn này không nhận được những màu sắc về đỏ và xanh lá cây. Và đây lại là 2 màu cơ bản và rất quan trọng trong thiết kế.
Bạn ý có hơi thắc mắc và ái ngại vì thực sự rất muốn theo đuổi lĩnh vực này nhưng việc sai màu trong thiết kế sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sự hoàn hảo của sản phẩm. Tuy nhiên chị đã cùng bạn ý để tìm ra giải pháp. Chị chia sẻ với bạn về việc dùng mã hex và nghiên cứu về những bộ màu phổ biến. Từ đó bạn ý đã khắc phục được và bây giờ đã tìm được những công việc thiết kế đem lại thu nhập cho mình và rất yêu thích công việc này. Và bản thân chị cũng rất vui vì đã giúp được bạn ý.
Tưởng tượng chị là một học viên của mình, chị nghĩ mình sẽ ấn tượng như thế nào về giảng viên Thảo My?

Chị nghĩ giảng viên Thảo My là một người rất mạnh về cảm xúc và như khi nãy chị có chia sẻ về việc chị sẽ luôn cháy hết mình trong công việc. Cách dạy của chị rất sôi động và nhiều năng lượng. Và mọi người cũng nhận xét rằng chị truyền năng lượng rất mạnh và nhiều cho những người xung quanh.

Tuy nhiên năng lượng nhiều không phải lúc nào cũng tốt. Đúng là có những bạn rất cần nguồn năng lượng như thế để có thể hào hứng học tập và năng động hơn. Nhưng ngược lại, với một số bạn thì chị khiến cho họ có vẻ như là “bội thực” với năng lượng của mình,vì nó quá nhiều và khiến các bạn ý cảm thấy hơi dồn dập, ồn ào và không thoải mái. Điều gì cũng có 2 mặt của nó mà.
Một được chọn một phiên bản khác mình có thể trở thành, chị muốn trở thành một phiên bản như thế nào?

Nếu được trở thành một phiên bản khác chị rất muốn có thể được như chị Huyền Thanh (Trưởng bộ môn Graphic Design) bởi vì chị ấy rất nhẹ nhàng, trầm lắng nhưng cá tính nghệ thuật trong từng sản phẩm lại vô cùng rõ rệt.

Cái chị sẽ vẫn giữ lại ở phiên bản này đó chính là cá tính riêng biệt của chị nhưng nó sẽ được thể hiện một cách có tiết chế hơn.
Palette màu của Thảo My:




Content:
Đăng Đạt
Designer:
Phương Linh
Art director:
Hà Trang
Photographer:
Phương Mai
Developer:
Hoàng Cường

Inspiration of the day

Everything is designed. Few things are designed well

Brian Reed, front-end developer and musician