Hướng dẫn thiết kế Logo
Thiết kế logo chẳng hề xa lạ với chúng mình nữa, bởi tính hữu dụng và ‘phủ sóng’ trong nhiều lĩnh vực như: kinh doanh, mở shop online, truyền thông chương trình, sự kiện,... Nếu bạn là newbie, đừng lo nhé, bài viết siêu ‘bự’ sẽ tổng hợp mọi kiến thức bạn cần, để tạo nên một chiếc logo chỉn chu và ấn tượng nhé.
Đừng quên tham khảo Xu hướng thiết kế logo 2019 để tìm nguồn cảm hứng thiết kế, bắt kịp trend nha.
TIPS THIẾT KẾ LOGO HỢP THẨM MỸ
Thần chú ‘Đơn giản’
“Một thiết kế logo tuyệt vời được thực hiện trên một concept đơn giản". Đôi khi, việc tham lam quá nhiều yếu tố khiến tổng thể khá lộn xộn, làm người xem phân tâm, khó để tập trung vào một đặc điểm cụ thể nào. Thay vì vậy, theo đuổi sự đơn giản nhưng ít chi tiết, tạo 1 nét độc đáo riêng sẽ giúp logo ‘ghi điểm’ trong lòng người dùng hơn. Hơn nữa, minimalism đang là xu hướng thiết kế rất được ưa chuộng hiện nay. Việc quan trọng cần làm là đừng bao giờ thêm vào những chi tiết không cần thiết hay thiếu mục đích nhất định. Hãy tự hỏi, bạn muốn truyền đạt điều gì nhất? Yếu tố gì là cốt lõi nhất mà bạn muốn làm nổi bật với người xem?
Màu sắc - Chiếc gương ‘phản chiếu’ thương hiệu
Màu sắc là yếu tố quyết định với mỗi chiếc logo, bởi nó có khả năng tác động trực tiếp tới cảm xúc của người xem, ví dụ như:
- Màu đỏ gợi tình yêu, niềm đam mê, năng lượng tràn đầy
- Màu xanh dương tạo thiện cảm về sự thông minh, thân thiện
- Màu xanh lá cây là biểu tượng cho thiên nhiên, sức khỏe và tính sáng tạo
Bởi vậy, muốn có một logo độc đáo, hấp dẫn, bạn phải biết cách kết hợp các màu sắc có thể thể hiện cảm xúc mà bạn muốn gợi ở người xem. Màu đỏ và vàng trong logo của McDonald là hai màu tương tự trên vòng tuần hoàn màu sắc, giống như màu xanh lam và vàng trong logo của Subway, … Tất cả đều cần tuân thủ quy luật phối màu và bảng tuần hoàn màu sắc, bạn nhé.
ColorME gợi ý, bạn nên sử dụng từ 1 tới 2 màu, hoặc tối đa là 3 trong tổng thể logo thôi nhé. Đừng biến chiếc logo thành… cầu vồng, và cuối cùng, không có màu sắc nào đặc trưng về thương hiệu đọng lại trong tâm trí khách hàng cả đâu.
Kích thước linh hoạt
Kích thước cũng là mối quan tâm hàng đầu của designer. Logo doanh nghiệp vốn được sử dụng trên nhiều ấn phẩm khác nhau, vậy nên, nếu chi tiết quá nhỏ, người xem sẽ không thể nhìn rõ trên các bề mặt nhỏ hẹp (bút, sổ nhỏ,..). Tương tự, khi đặt logo lên các không gian lớn, logo của bạn cũng cần phải giữ được tỉ lệ nhất định để tránh vỡ, mờ ảnh. Do đó, một logo được ‘duyệt’ thành công khi nó đồng đều về kích thước và sự phân bố của các yếu tố trong một bản thiết kế. Ví dụ, logo Starbucks đạt chuẩn mực khi tỉ lệ khuôn mặt hài hòa, tương đồng với chiếc vương miện và 2 phần xung quanh.
Một tip nhỏ giúp bạn có thể thiết kế logo chuẩn kích thước trên mọi bề mặt, đó là hãy tạo logo dưới sự trợ giúp của lưới thiết kế. Việc chia lưới, căn hướng giúp duy trì sự cân bằng giữa các yếu tố thiết kế. Khi ấy, dù có xuất hiện dưới nhiều tình huống, các yếu tố vẫn đồng điệu và hài hòa, không bị ‘quá lớn’ hay ‘quá nhỏ’, khó nhìn.
Typography - Chìa khóa thành bại của logo
Trước khi ‘bắt tay’ vào thiết kế, hãy vạch rõ trong đầu những cá tính, đặc điểm của thương hiệu. Từ đó, bạn mới lựa chọn được loại phông chữ phù hợp. Nếu như phông Serif chứa những nét mảnh nhỏ ở chân, thường mang lại cảm giác bóng bẩy, cổ điển, thì Sans Serif lại tạo cảm giác thân thiện, tươi mới hơn. Còn phông Script thường sở hữu các đường uốn vòng bay bổng, mang tới cảm giác mềm mại, phóng khoáng.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tinh chỉnh đường nét một chút để thể hiện ‘chất riêng’ của thương hiệu – ví dụ như cắt bỏ các đầu chữ cái ở các góc phù hợp, tạo cảm giác sắc nét hơn. ‘Cải tiến’ logo cũng giúp thương hiệu của bạn hợp thời và bắt kịp xu hướng thiết kế của thời đại. Google là một trong những thương hiệu ‘tiên phong’ thay thế logo serif lâu đời của mình bằng một font chữ sans serif đầy hiện đại.
Một vài lỗi thường gặp trong quá trình làm typography là:
- Sử dụng quá nhiều phông chữ
- phần kerning kém;
- Khoảng cách giữa các kí tự không hợp lý;
- Phông chữ sử dụng không phù hợp.
Hình ảnh - Cần hay không?
Câu trả lời chính là: tùy bối cảnh. Việc sử dụng hình ảnh minh họa vừa giúp logo sinh động và trực quan, thân thiện với người dùng, tuy nhiên, việc bỏ hình ảnh cũng mang lợi thế riêng. Khi bạn chỉ sử dụng duy nhất tên thương hiệu, người xem sẽ dễ dàng ghi nhớ cái tên ‘cộp mác’ thương hiệu của bạn, hơn là bị xao lãng bởi những yếu tố minh họa xung quanh.
Đừng bỏ qua không gian âm
Hãy để thiết kế được ‘thở’ một chút, bằng việc bổ sung các khoảng trắng (không gian âm) vào logo nhé. Khoảng trắng giúp thiết kế không bị dày đặc thông tin, trái lại, nó tạo ra sự phân cấp phù hợp, giúp người đọc dễ nhìn và tiếp nhận nội dung hơn. Bên cạnh đó, khoảng trắng cũng tạo nên sự cân bằng và tối giản cho thiết kế, rất phù hợp với những designer ưa thích style minimal đó.
Dí dỏm và thông minh
Thêm một chút gia vị cho chiếc logo đơn nghĩa cũng là một cách khá hiệu quả để tạo dấu ấn trong lòng người xem đó. Thử suy nghĩ các cách kết hợp đặc tính, cái tên, chơi chữ, hình ảnh,... hay bất kể điều gì để biến chiếc logo của bạn trở nên thú vị hơn.
Hãy nhìn thương hiệu Amazon mà xem! Thoáng qua tưởng đơn giản, nhưng thực chất chiếc logo này ẩn chứa nhiều ý nghĩa hay ho lắm đấy: Hình mũi tên không chỉ thể hiện nụ cười hài lòng của khách hàng, mà còn là lời khẳng định chắc nịch rằng, nhãn hàng có thể ‘lo liệu’ mọi thứ từ A đến Z
THIẾT KẾ LOGO - TUTORIAL MINH HỌA
Bước 1: Tạo thiết kế mới: Bấm Create New hoặc Ctrl + N (chọn kích cỡ khoảng 1000 x 1000px
Bước 2: Thêm Slogan
- Tạo layer mới: Ctrl + Shift + N
- Chọn công cụ Text (phím tắt T) từ thanh công cụ bên trái và nhập Slogan
- Điều chỉnh kích cỡ, vị trí của chữ bằng công cụ Transform (phím tắt Ctrl T)
Bước 3: Thêm hình ảnh
- Bấm Ctrl + O để tải ảnh mới vào trang thiết kế.
- Tạo vùng chọn: bấm W và kéo chọn vùng. Công cụ này cho phép bạn chọn duy nhất 1 phần ảnh mà bạn muốn cắt.
Bước 4: Sắp xếp lại Text và Hình ảnh cho cân xứng bằng công cụ Transform (Ctrl T)
Bước 5: Lưu file
Vào [File]> [Quick Export as PNG], hoặc bấm phím tắt Ctrl Shift S.
MỘT SỐ PHẦN MỀM ONLINE
Nếu tiêu chí của bạn là nhanh gọn, tiện lợi, hãy tham khảo những phần mềm làm logo online dưới đây nhé. Tuy nhiên, điểm trừ của những website ‘ăn liền’ này, đó là đôi lúc bạn không thể linh hoạt sáng tạo, điều chỉnh tiểu tiết theo đúng ý muốn của mình. Kho tài nguyên cũng khá giới hạn, bởi vậy, nếu có điều kiện, bạn vẫn nên tự tay thiết kế qua những phần mềm như Photoshop hay Illustrator nhé.
1. Canva
☁ Canva cung cấp sẵn hàng trăm mẫu logo miễn phí, cùng các công cụ đa dạng để bạn chỉnh sửa tùy ý thích. Nó cũng có một kho icon phong phú, cung cấp hàng triệu biểu tượng khác nhau tới người dùng.
Website: https://www.canva.com/vi_vn/thiet-ke/logo/
2. Free Logo Design
☁ FreeLogoDesign cung cấp một kho tàng mẫu logo vô cùng đa dạng và cực thẩm mỹ. Đặc biệt nhất, nguồn tài nguyên các yếu tố thiết kế như: text, icon, màu sắc hay hình khối tại Free Logo Design vô cùng phong phú, cho phép bạn thỏa sức sáng tạo, không lo bị giới hạn ở các mẫu hình có sẵn.
Website: https://www.freelogodesign.org/
Tham khảo nhiều hơn nữa tại đây nhé. Trọn bộ phần mềm logo online và ‘mổ xẻ’ ưu nhược điểm, tất cả đều có trong bài viết này.
Tạm kết
Hi vọng bài viết giúp bài viết giúp bạn có được góc nhìn tổng quan về thiết kế logo. Đừng quên lớp Illustrator tại ColorME sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ kiến thức thiết kế, cách sử dụng công cụ và tư duy thẩm mỹ cần thiết, để bạn thỏa sức tạo sản phẩm logo ưng ý nhất.
Tham khảo ngay tại đây: Khóa học Illustrator